Xơ gan là quá trình xơ hóa lan tỏa tại nhu mô gan, do nhiều nguyên nhân, được chia làm hai giai đoạn còn bù và mất bù.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về các vấn đề xoay quanh xơ gan còn bù như đây là bệnh gì? Nhận biết ra sao và có những cách điều trị nào?
Xơ gan còn bù là gì?
Khái niệm
Đây là giai đoạn đầu của xơ gan và thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Trong giai đoạn này, gan bị xơ hóa một phần nhưng vẫn còn đủ các tế bào gan khỏe mạnh để bù đắp cho những vùng bị tổn thương hoặc hình thành mô sẹo. Vì vậy, các chức năng quan trọng của gan vẫn hoạt động bình thường.
Xơ gan còn bù sống được bao lâu?
Tuổi thọ trung bình của những người ở giai đoạn này thường kéo dài từ 9 – 12 năm. Nhưng nếu kế hoạch điều trị phù hợp và mang đến hiệu quả cao, sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển bệnh và gia tăng tuổi thọ.
Xét nghiệm chẩn đoán xơ gan còn bù là gì?
Mặc dù phát hiện bệnh trong giai đoạn này sẽ giúp người bệnh điều trị kịp thời và ngăn ngừa biến chứng nhưng việc chẩn đoán thường gặp khó khăn vì tất cả các thông số kiểm tra đều có thể mang đến kết quả hoàn toàn bình thường. Do đó, ngoại trừ xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp tế bào, các bác sĩ đôi khi phải sử dụng sinh thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Phân biệt xơ gan còn bù và mất bù
Xơ gan mất bù là giai đoạn sau của xơ gan. Khi đó, tế bào xơ hóa lan rộng ra, khiến các hoạt động của gan gặp khó khăn và bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai loại xơ gan. Những triệu chứng sẽ xuất hiện trong giai đoạn mất bù gồm:
- Vàng da và lòng trắng của mắt
- Chất lỏng tích tụ gây sưng phù ở chân hoặc bụng, hay còn gọi là tình trạng cổ trướng
- Ngứa do rối loạn chức năng gan, dẫn đến việc sản xuất mật quá nhiều
- Lòng bàn tay nổi mẩn đỏ
- Ở nam giới, mô vú phát triển và tinh hoàn bị teo lại
- Dễ bị bầm tím và chảy máu nhiều
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Lú lẫn tinh thần (bệnh não gan) do tích tụ amoniac
Điểm khác biệt kế tiếp là tuổi thọ của người bệnh. Nếu như thời gian sống của xơ gan còn bù khá dài, thì tuổi thọ của những người bị xơ gan mất bù bị giảm đáng kể, xuống còn khoảng 2 năm.
Điểm khác biệt cuối cùng giữa hai loại xơ gan trên là về mức độ khó của việc điều trị. Trong giai đoạn còn bù, các biện pháp thường tập trung vào việc cải thiện lối sống, còn khi tiến triển sang mất bù, chúng thường phức tạp hơn rất nhiều như:
- Sử dụng thuốc trị viêm gan như ribavirin (Ribasphere), entecavir (Baraclude), tenofovir (Viread) hoặc lamivudine (Epivir)
- Sử dụng thuốc để kiểm soát các nguyên nhân khác như ursodiol (Actigall) cho bệnh viêm đường mật nguyên phát hoặc penicillamine (Cuprimine) cho bệnh Wilson
- Những người bị tổn thương gan nặng có thể cần phải ghép gan để duy trì sự sống
Dấu hiệu nhận biết xơ gan còn bù
Cách nhận biết xơ gan còn bù sớm và chính xác nhất là đi tầm soát, vì đây là giai đoạn không xuất hiện triệu chứng và rất khó để nhận định bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp, người bệnh vẫn sẽ xuất hiện một vài dấu hiệu giúp nhận biết như:
- Mệt mỏi hoặc mất năng lượng
- Sụt cân liên tục hoặc chán ăn
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Các mạch máu dưới da có hình dạng như mạng nhện
Lưu ý nếu các dấu hiệu của bệnh xơ gan bắt đầu xuất hiện, rất có thể bệnh đã tiến triển sang giai đoạn mất bù, cần đến bác sĩ để được kiểm tra và có kế hoạch điều trị kịp thời.
Xơ gan còn bù có chữa được không?
Dù cho xơ gan thuộc giai đoạn nào thì cũng không thể điều trị tận gốc, nhưng vẫn có thể áp dụng các phương pháp để ngăn chặn tổn thương cho gan và ngăn ngừa các biến chứng. Đặc biệt, một số ca bệnh có thể chuyển từ giai đoạn mất bù hoặc có triệu chứng trở lại giai đoạn không triệu chứng.
Sau đây là một số thay đổi lối sống được các bác sĩ khuyến cáo áp dụng trong giai đoạn điều trị xơ gan còn bù:
- Gan có nhiệm vụ phá vỡ và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể mà rượu là một chất độc, nên để bảo vệ gan, tuyệt đối không sử dụng rượu dưới bất cứ hình thức nào.
- Điều trị các yếu tố nguy cơ thúc đẩy xơ gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ không do sử dụng rượu, viêm gan tự miễn hay xơ gan mật nguyên phát
- Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho gan. Xơ gan có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng và làm suy yếu cơ, nên hãy ăn nhiều thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau và protein nạc từ thịt gia cầm hoặc cá để chống lại những tác động này. Tránh ăn hàu và các động vật có vỏ sống khác, vì chúng chứa vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng. Ngoài ra, hãy hạn chế ăn muối vì có thể làm tăng chất lỏng tích tụ trong cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc có thể gây tổn thương gan như acetaminophen. Mặt khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì quá trình xơ hóa có thể khiến gan gặp khó khăn trong việc xử lý và loại bỏ chất độc của thuốc trong cơ thể.
- Sử dụng các loại thuốc uống bổ sung các thành phần tốt cho gan như Phospholipids, vitamin B và vitamin E. Sự kết hợp của ba dưỡng chất này có thể giúp thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào gan, làm chậm quá trình xơ hóa và bảo vệ gan trước những tác nhân gây tổn thương.
Xơ gan là một tình trạng nghiêm trọng, gây ra sẹo và tổn thương vĩnh viễn cho gan. Nhưng xơ gan mất bù là giai đoạn đầu và hoàn toàn có thể được kiểm soát thông qua các thay đổi lối sống. Cuối cùng, các gợi ý thay đổi trong bài viết trên, không chỉ hữu ích những bệnh nhân xơ gan còn bù mà phù hợp với tất cả mọi người để có thể bảo vệ một lá gan khỏe mạnh.
What Are the Treatments for Cirrhosis?
https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-cirrhosis-treatment Decompensated Liver Disease
https://www.healthline.com/health/decompensated-liver-disease What is the life expectancy for cirrhosis of the liver?
https://www.medicalnewstoday.com/articles/cirrhosis-of-the-liver-life-expectancy Clinical outcomes of compensated and decompensated cirrhosis: A long term study https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4110542/
Cirrhosis
https://www.medstarhealth.org/services/cirrhosis