U máu gan là một trong những tình trạng có khối u trong gan, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh cụ thể.
Trong bài viết bên dưới, hãy cùng tìm hiểu tất tần tật các thông tin về căn bệnh này như dấu hiệu nhận biết, cách chẩn đoán, cũng như phương pháp điều trị.
U máu gan là gì?
Đây là tình trạng các mạch máu, cụ thể là động mạch, tạo thành khối u trong gan. Các khối u này đều lành tính và không phát triển thành ung thư hay lây lan sang các vùng khác của cơ thể. Kích thước trung bình của khối u khoảng 1,5 inch (cỡ 4 cm) và mỗi người chỉ có một u máu, tuy nhiên một số trường hợp hiếm vẫn có thể có nhiều u máu.
Mặc dù, nguyên nhân u máu trong gan vẫn không được xác định rõ, nhưng một số đối tượng sau sẽ có nguy cơ mắc cao hơn:
- Những người trường thành trong độ tuổi từ 30 – 50 tuổi
- Những người sử dụng thuốc trong thời gian dài, nhất là thuốc steroid
- Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc u máu cao gấp ba lần so với nam giới
- Một số trường hợp liên quan đến sự thay đổi hormone như sử dụng liệu pháp estrogen, uống thuốc tránh thai, mang thai, sinh con từ hai lần trở lên, phương pháp điều trị kích thích buồng trứng, liệu pháp hormone để điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh
- Những người sử dụng các hóa chất được tạo ra bởi hormone sinh dục
Biểu hiện nhận biết
Các u mạch máu nhỏ (đường kính vài mm đến 2 cm) và trung bình (từ 2 đến 5 cm) thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, mà chỉ bị phát hiện khi người bệnh đang thăm khám một tình trạng sức khỏe khác.
Đối với u máu gan có đường kính hơn 10 cm, các triệu chứng sẽ xuất hiện, do kích thước u lớn nên chèn ép vào các mô và nang gan xung quanh. Sau đây là những triệu chứng phổ biến:
- Đau bụng trên
- Kén ăn
- Cảm thấy no nhanh chóng dù chỉ ăn một bữa
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Cảm thấy đầy hơi sau khi ăn
U máu gan có nguy hiểm không?
Dù u máu gan phải hay trái thì đều lành tính và hầu như không gây biến chứng gì. Thực tế, cũng không có bằng chứng nào cho thấy những người không điều trị u máu gan, có thể phát triển thành ung thư gan.
Nhưng ngay cả như vậy, các chuyên gia vẫn đưa ra một số biến chứng có thể xảy ra của u máu:
- Những người sử dụng thuốc tránh thai hoặc thuốc có chứa nội tiết tố nữ estrogen có nhiều khả năng bị biến chứng u máu vì estrogen có thể làm cho kích thước khối u tăng lên và chèn ép các cơ quan khác
- Khối u máu có thể bị vỡ ra do tự phát hoặc chấn thương
- Kích thước khối u lớn dần và chèn ép các cơ quan xung quanh như dạ dày (dẫn đến cảm giác no ngay sau khi bắt đầu bữa ăn), ống dẫn mật (tình trạng vàng da), hoặc nang gan (gây đau)
- Xuất huyết bên trong khối u hoặc xuất huyết ngoài vào khoang bụng
- Các biến chứng thoái hóa như đông máu bên trong u máu, sự phát triển của vôi hóa (lắng đọng canxi trong khối u) hoặc mô sẹo
Làm thế nào để chẩn đoán u gan máu?
Chẩn đoán u máu gan thường không dựa vào khám sức khỏe định kỳ hoặc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, mà dựa vào kết quả nghiên cứu hình ảnh. Sau đây là một số chẩn đoán hình ảnh được sử dụng:
- Siêu âm: phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của gan
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): kết hợp một loạt hình ảnh tia X được chụp từ các góc khác nhau xung quanh cơ thể và dùng máy tính xử lý để tạo ra hình ảnh cắt ngang (lát cắt) của gan
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): một kỹ thuật sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của gan
- Scintigraphy: một phương pháp quét hạt nhân sử dụng chất phóng xạ có tên là Technetium-99m để tạo hình ảnh u máu
Phương pháp điều trị u gan máu
Nếu u máu gan nhỏ, ổn định và không gây ra triệu chứng, thì có thể không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi bằng các xét nghiệm hình ảnh định kỳ, vì có khoảng 10% ca bệnh, u máu bị tăng kích thước theo thời gian mà không rõ lý do. Theo các chuyên gia, người bệnh nên tái khám sau mỗi sau đến mười hai tháng.
Ngược lại, nếu vị trí, kích thước hoặc số lượng u máu gây ảnh hưởng đến các chức năng gan và hoạt động của cơ thể, một số phương pháp điều trị sau có thể được áp dụng:
- Sử dụng thuốc: Không có loại thuốc nào có thể điều trị căn bệnh này, nhưng nếu u máu quá lớn hoặc lớn quá nhanh và gây đau, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc giảm đau.
- Thuyên tắc động mạch gan chọn lọc hoặc thắt động mạch gan: bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật cắt nguồn cung cấp máu để ngăn khối u phát triển. Hai cách để ngăn dòng máu là thắt động mạch chính (động mạch gan) hoặc tiêm thuốc vào động mạch để chặn nguồn cung (thuyên tắc động mạch). Khi đó, máu từ các mạch xung quanh vẫn nuôi dưỡng các mô gan khỏe mạnh như bình thường.
- Phẫu thuật cắt bỏ u máu: Nếu khối u có thể tách ra khỏi gan, bác sĩ sẽ cắt bỏ luôn u máu đó. Phương pháp này đôi khi cần phải cắt bỏ một phần lá gan.
- Ghép gan: biện pháp này hiếm khi sử dụng, trừ những trường hợp u máu quá lớn hoặc quá nhiều và không thể điều trị bằng các cách khác.
- Xạ trị: sử dụng chùm năng lượng mạnh như tia X, làm tổn thương các tế bào của u máu. Đây cũng là phương pháp hiếm khi được sử dụng vì tương đối nguy hiểm mà hiệu quả không cao.
Với những thông tin trong bài viết trên, hy vọng đã giúp bạn hiểu hơn vè u máu gan, cũng như mức độ nguy hiểm mà khối u lành tính này có thể mang lại.
Liver Hemangioma
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17784-liver-hemangioma
Liver hemangioma
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-hemangioma/diagnosis-treatmen t/drc-20354239
What to know about liver hemangiomas
https://www.medicalnewstoday.com/articles/322450
What Is a Liver Hemangioma?
https://www.webmd.com/digestive-disorders/liver-hemangioma-overview