Livolin

Giải mã 5 thắc mắc thường gặp về tiêm phòng viêm gan B

989 lượt xem 

Giải mã 5 thắc mắc thường gặp về tiêm phòng viêm gan B

Tiêm phòng viêm gan B là cách phòng ngừa căn bệnh này an toàn và hiệu quả nhất. Tất cả trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 18 tuổi đều được khuyến cáo nên nhận đầy đủ các liều vắc-xin viêm gan B. 

Viêm gan B, hay còn được gọi là viêm gan siêu vi B, là một bệnh lý ở gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra và có khả năng lây truyền cao. Biểu hiện bệnh ở mỗi người rất khác nhau, có thể chỉ gây ra tình trạng nhiễm virus cấp tính hay nhẹ (kéo dài một vài tuần) hoặc gây viêm gan mạn tính. 

Hiện nay, căn bệnh này có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ vào vắc-xin viêm gan B. Thậm chí, vắc-xin này được xem là “vắc-xin chống lại ung thư” do nó giúp ngăn ngừa viêm gan B – một nguyên nhân dẫn đến ung thư gan. 

Để hiểu rõ hơn về tiêm phòng (hay chích ngừa) viêm gan B, hãy cùng giải đáp các thắc mắc thường thấy qua bài viết sau đây.

Tác dụng của việc tiêm phòng viêm gan B

Viêm gan B có thể lây truyền qua đường tiếp xúc với máu, tinh trùng hay các dịch cơ thể khác từ người mang virus gây bệnh sang người lành. Cụ thể hơn, các trường hợp khiến một người nhiễm phải virus HBV là: 

  • Sinh nở, khi người mẹ bị viêm gan B thì đứa trẻ sinh ra có khả năng nhiễm phải virus gây bệnh 
  • Sử dụng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng với người nhiễm bệnh 
  • Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc vết thương hở của người nhiễm bệnh
  • Quan hệ tình dục với người có mang virus gây bệnh 
  • Sử dụng chung kim tiêm hay các dụng cụ tiêm, chích khác với người bệnh
  • Phơi nhiễm với máu người bệnh do vô tình đâm trúng kim tiêm hay vật dụng sắc nhọn

Khoảng 10% người nhiễm virus viêm gan B diễn biến thành bệnh gan mạn tính và cuối cùng dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho căn bệnh này. 

Thế nhưng điều đáng mừng là bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa viêm gan B bằng cách tiêm phòng vắc-xin. Hầu hết những người tiêm vắc-xin sẽ có miễn dịch suốt đời với virus HBV. Vắc-xin này cũng được ghi nhận là an toàn và có hiệu quả cao. Vì thế, tiêm phòng viêm gan B là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

Tiêm phòng viêm gan B mấy mũi là đủ?

Giải mã 5 thắc mắc thường gặp về tiêm phòng viêm gan B

Tiêm phòng viêm gan B mấy mũi là đủ?

1. Ở trẻ em

Theo hướng dẫn từ Bộ Y tế, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B nên thực hiện ở tất cả các trẻ trong vòng 24h từ khi sinh ra. Sau đó, các mũi tiếp theo tiêm vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Như vậy, tiêm phòng viêm gan B ở trẻ cần tiêm tổng cộng 4 mũi. 

Hãy nhớ, việc tiêm chủng đúng lịch sẽ mang lại đáp ứng miễn dịch tốt nhất. Nếu không thể tiêm đúng ngày dự kiến thì cần tiêm ngay sau đó trong vòng 7 ngày. Khoảng cách giữa các lần vắc-xin phải đảm bảo tối thiểu là 1 tháng. 

2. Ở người lớn

Tiêm phòng viêm gan B cho người lớn cũng cần thực hiện để ngăn ngừa mắc bệnh nếu trước đây chưa từng tiêm vắc-xin hay có nguy cơ mắc bệnh cao. Lưu ý, bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu để xác định cơ thể có nhiễm virus chưa và có kháng thể trong máu hay không. 

Nếu cơ thể chưa từng nhiễm virus HBV (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (anti-HBs âm tính) thì sẽ được khuyến cáo tiêm 3 hoặc 4 mũi vắc-xin theo phác đồ sau: 

  • Phác đồ 0-1-6: tức là liều thứ 2 sẽ được tiêm cách mũi đầu tiên 1 tháng và liều thứ 3 cách liều đầu 6 tháng (hay cách liều 2 là 5 tháng). 
  • Phác đồ 0-1-2-12: tức là liều thứ 2 và 3 tiêm liên tiếp cách nhau 1 tháng và liều thứ 4 tiêm sau 12 tháng (1 năm) tính từ ngày tiêm mũi thứ 3. 

Sau khi tiêm phòng, bạn nên làm xét nghiệm kháng thể anti-HBs mỗi 5 năm/ lần và tiêm nhắc lại 1 liều vắc-xin nếu kết quả cho thấy anti-HBs < 10 mIU/mL. 

Tiêm phòng viêm gan B có tác dụng bao lâu?

Tiêm phòng viêm gan B có tác dụng bao lâu

Tiêm phòng viêm gan B có tác dụng bao lâu?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tác dụng bảo vệ của vắc-xin phòng ngừa viêm gan B sẽ kéo dài ít nhất 20 năm và có thể tạo ra miễn dịch cả đời.

Một nghiên cứu y khoa năm 2016 cũng cho thấy khả năng này ở những người khỏe mạnh từng được tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan B trước 6 tháng tuổi ít nhất là 30 năm.

Hơn thế nữa, việc tiêm phòng viêm gan B rất an toàn vì vắc-xin này thuộc loại vắc-xin tái tổ hợp, không phải đưa virus gây bệnh vào cơ thể. Tỷ lệ gặp phải các phản ứng không mong muốn sau khi tiêm cũng rất thấp. Các phản ứng được ghi nhận ở trẻ sơ sinh sau khi chích ngừa là:

  • Phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm (3–9%), sốt trên 37,7ºC (0,4–8%).
  • Sốc phản vệ hiếm gặp hơn với tỷ lệ ước tính chỉ xảy ra ở 1 trường hợp trên 600.000–1.000.000 liều vắc-xin.

Do đó, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi tiêm phòng viêm gan B cho con em hoặc bản thân mình. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.

Người đã tiêm phòng viêm gan B khi quan hệ tình dục có an toàn 100% không?

Như đã đề cập ở trên, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin phòng ngừa viêm gan B có thể giảm bớt nếu nồng độ kháng thể anti-HBs trong máu thấp hơn 10 mIU/mL. Một số ít trường hợp, sau khi tiêm đủ liều vắc-xin nhưng cơ thể vẫn không tạo được miễn dịch đầy đủ. Khi đó, bác sĩ sẽ: 

  • Tiêm tiếp 3 mũi vắc-xin theo lịch tiêm bình thường. 
  • Xét nghiệm lại kháng thể anti-HBs sau 1–2 tháng để kiểm tra. 
  • Nếu vẫn không đạt được miễn dịch bảo vệ đầy đủ (anti-HBs < 10 mIU/mL) thì không nên tiếp tục tiêm vắc-xin và tư vấn về các phương pháp phòng bệnh khác. 

Vậy nên, nếu quan hệ tình dục trong khi nồng độ anti-HBs không đủ cao để mang lại hiệu quả miễn dịch thì bạn vẫn có thể nhiễm virus viêm gan B từ người bạn tình mắc bệnh. Do đó, bạn nên tiêm nhắc lại sau khoảng 5 năm nếu như xét nghiệm máu thấy nồng độ anti-HBs thấp hơn 10 mIU/mL. 

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chủ quan mà quan hệ tình dục không có biện pháp an toàn, đặc biệt khi có nhiều bạn tình.

Những ai không nên tiêm phòng viêm gan B?

Mặc dù vắc-xin phòng ngừa viêm gan B tương đối an toàn nhưng vẫn có một trường hợp không nên tiêm chủng, như: 

  • Có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với liều vắc-xin trước đó 
  • Có tiền sử quá mẫn với nấm men hoặc bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin
  • Đang có bệnh lý cấp tính khác ở mức độ vừa đến nặng 

Đối với trẻ sơ sinh, những trường hợp không nên tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh gồm: 

  • Trẻ đẻ non, cân nặng thấp, đẻ khó, mẹ bị sốt trước hoặc sau khi sinh
  • Nước ối bẩn, con bị ngạt, thai nhi già tháng hay bị dị tật… 

Ngoài ra, trẻ đang ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính nên hoãn tiêm. Trước khi tiêm chủng, trẻ phải được thăm khám cẩn thận. Các mũi tiêm có thể được thực hiện sau khi trẻ đã bú tốt trở lại.

Chủ để: viêm gan c lây qua đường nào, dấu hiệu viêm gan c

SHARE THIS POST

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Hệ thống cửa hàng

Gọi cho chúng tôi

Nhắn tin liên lạc

Scroll to Top